Trang chủ  Tin tức  Cái Chiên hướng tới phát triển du lịch biển đảo cao cấp

Cái Chiên hướng tới phát triển du lịch biển đảo cao cấp (234 lượt xem)

Thứ Bảy, 10/12/2019, 09:22 [GMT+7]

Là khu du lịch được thiên nhiên ưu đãi, gìn giữ được cảnh quan nguyên sơ, trong lành, Cái Chiên đang được quan tâm phát huy hết tiềm năng, thế mạnh để trở thành khu du lịch biển hấp dẫn, cao cấp trong tương lai.

Tới thăm đảo Cái Chiên trung tuần tháng 11, chúng tôi đã ngỡ ngàng khi chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng về bộ mặt du lịch trên đảo. Hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch bãi biển, nhà tắm tráng... đã và đang được đầu tư bài bản, khang trang. Nếu như trước kia việc đi lại tham quan còn khó khăn, nay đã thuận tiện hơn bằng xuồng cao tốc hoặc phà tự hành chạy từ bến Ghềnh Võ, xã Quảng Điền  (phà tự hành chạy 3-4 lượt/ngày). 

Các doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống xe điện đưa đón khách tham quan đảo Cái Chiên thuận lợi, an toàn.

Cái Chiên có gần 200 gia đình sinh sống nhờ vào hoạt động canh tác nông nghiệp, đánh bắt hải sản hoặc phục vụ du lịch vào dịp cuối tuần. Nhờ du lịch phát triển đã có hàng chục hộ dân đầu tư phát triển du lịch homestay với hàng trăm phòng nghỉ, từng bước đáp ứng nhu cầu của du khách.

Điều ấn tượng nhất là bên cạnh sự đầu tư, phát triển, cảnh quan trên đảo còn giữ nhiều nét nguyên sơ, hạn chế tối đa sự can thiệp của con người vào cảnh quan thiên nhiên. Dọc bờ biển là rừng phi lao thẳng tắp ôm lấy bờ cát cùng con đường cho du khách có những phút giây tản bộ thư thái. Phía trong là những khu đất trồng lúa thanh bình và yên ả như các làng quê Việt điển hình. Cái Chiên được đánh giá là có tiềm năng về phát triển du lịch vì khung cảnh thiên nhiên đẹp, trữ tình, không khí trong lành, mát mẻ. Đến đây, du khách có dịp đi biển và trải nghiệm cùng ngư dân bắt ốc, câu mực, đánh cá trên biển; thăm khe nước khoáng tự nhiên trên đảo, được đánh giá là một trong 10 nguồn nước sạch nhất Việt Nam... Đặc biệt, ngoài thế mạnh biển, Cái Chiên còn được thiên nhiên ưu ái với hệ sinh thái rừng phong phú, đủ các loài động vật hoang dã. Trên đảo còn khoảng 500ha rừng nguyên sinh, có hồ nước ngọt lớn, là hồ Khe Dầu, Khe Đình có diện tích từ 15 - 18ha...

Trên cơ sở tiềm năng và những giá trị nổi bật đó, thời gian qua, Hải Hà đã quan tâm phát huy, làm nổi bật thế mạnh của du lịch biển Cái Chiên. Đồng chí Trần Đức Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện, chia sẻ: Thời gian qua, huyện Hải Hà luôn quan tâm đầu tư phát triển lĩnh vực du lịch, trong đó phát huy hết vẻ đẹp, tiềm năng của đảo du lịch Cái Chiên. Huyện đã tranh thủ sự ủng hộ của tỉnh, đồng thời quyết liệt trong lãnh đạo chỉ đạo, đầu tư cơ sở hạ tầng, thu hút nhà đầu tư, quản lý du lịch tốt... tạo sức bật cho du lịch Cái Chiên.

Việc hoàn thiện dự án Khu dịch vụ vui chơi giải trí nghỉ dưỡng Đầu Rồng trong thời gian tới sẽ giúp Cái Chiên thành điểm đến hấp dẫn về du lịch biển đảo.
 

Trong đó nổi bật là Dự án cấp điện lưới quốc gia cho hòn đảo này với tổng đầu tư gần 198 tỷ đồng được đưa vào sử dụng tháng 4/2016. Cũng trong năm 2016, Hải Hà đã công bố giới thiệu Quy hoạch 1/2.000 của xã đảo Cái Chiên. Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 khu vực trung tâm đảo Cái Chiên thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái. Diện tích quy hoạch trực tiếp trên 180ha; có 4 phân khu chính. Gần đây nhất, tháng 6/2019, Khu du lịch Cái Chiên đã được công nhận là khu du lịch cấp tỉnh, có diện tích 15.545ha. Đây chính là những tiền đề quan trọng thúc đẩy du lịch xã đảo cất cánh, thu hút đầu tư lớn, thay đổi cơ bản diện mạo xã đảo.

Cùng với đó, hiện nay huyện cũng đang thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư vào xã đảo, như  Công ty TNHH Long Vũ, Công ty CP Sao Cái Chiên và Xí nghiệp Phát triển Cái Chiên, Xí nghiệp Đầu tư phát triển Cái Chiên. Đáng chú ý nhất là dự án Khu dịch vụ vui chơi giải trí nghỉ dưỡng Đầu Rồng của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại Lâm Ngọc Dương, tổng đầu tư 578 tỷ đồng, trên diện tích 20,1 ha vừa đầu tư các dịch vụ nghỉ dưỡng tiêu chuẩn 4-5, vừa chăm nom bảo vệ rừng, sao hài hòa với cảnh quan. Ông Mai Đức Trung, Phó Giám đốc Công ty khẳng định, công ty đang dồn mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ dự án. Dự kiến sẽ sớm hoàn thành giai đoạn 1 đưa vào sử dụng, như nhà đón tiếp khách, nhà hàng quy mô trên 200 khách, 1 bể bơi, 32 bungalow 1 phòng, 10 căn bungalow 2 phòng, tôn tạo cảnh quan Miếu Ông Miếu Bà... Giai đoạn 2 của dự án gồm khu khách sạn quy mô 4 và 5 sao, biệt thự nghỉ dưỡng, khu vui chơi thể thao, khu thương mại mua sắm, khu OCOP dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2021...

Cùng với các dự án trên, hiện nay Hải Hà đang tích cực chuẩn bị thi công hoàn thiện các hạ tầng trên đảo như: Dự án đường đảo Cái Chiên, hệ thống kè chống sạt lở, đồng thời tạo cảnh quan du lịch cho khu vực Đầu Rồng và hệ thống nước sạch, tránh tình trạng thiếu nước mùa du lịch, đảm bảo nguồn cung cấp nước cho xã đảo. Về giao thông, Công ty TNHH Long Vũ và Lâm Ngọc Dương đã đầu tư và đảm bảo hoạt động của tàu du lịch, xe điện phục vụ khách ra đảo và trên đảo. Nhờ đó tới thời điểm hiện tại đã có cầu tầu tạm của tầu du lịch, 2 đầu cầu phà được nâng cấp có nhà chờ phà, chờ tàu 2 đầu bến; 2 tàu khách du lịch; 3 xuồng cao tốc, 22 xe điện...đảm bảo tốt nhu cầu đi lại, tham quan du lịch cho du khách.

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra thực tế địa điểm triển khai và tiến độ dự án Khu dịch vụ vui chơi giải trí nghỉ dưỡng Đầu Rồng (xã Cái Chiên) tháng 11/2019.

Để quản lý du lịch lành mạnh, quy củ và bền vững, Hải Hà cũng đẩy mạnh tập huấn làm du lịch cộng đồng; thu gom xử lý rác sinh hoạt và rác thải biển; tiến hành liên kết Cái Chiên với  các điểm như: Đền Trần Hưng Đạo - chùa Hải Hà (xã Phú Hải) hay cửa khẩu Bắc Phong Sinh (xã Quảng Đức) v.v.. để hình thành các tour, tuyến, điểm du lịch sinh thái, trải nghiệm giữ chân khách; vận động dẹp các nhà tôn trái phép, lều bạt, các homestay trái phép tạm bợ trên đảo.

Được biết thời gian tới, huyện sẽ tập trung xây dựng các điểm du lịch trọng điểm đặc biệt là đảo Cái Chiên; xúc tiến thu hút các nhà đầu tư, nguồn lực xã hội... nhằm khai thác tối đa nguồn lực địa phương; đề xuất các vấn đề về hút các nhà đầu tư chiến lược, cơ chế, nhân lực, quảng bá...

(St)



CÁC TIN LIÊN QUAN
Người gìn giữ nghệ thuật thêu truyền thống dân tộc Dao Thanh Phán

Là xã vùng cao của huyện Hải Hà, Quảng Sơn có 98% dân số là đồng bào dân tộc Dao, chủ yếu là người Dao Thanh Y và Dao Thanh Phán.Vào mỗi dịp lễ, tết khi đến các xã miền núi của Hải Hà chúng ta rất dễ bắt gặp hình ảnh người phụ nữ dân tộc Dao xúng xính trong bộ trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu. Những bộ trang phục truyền thống đó đã trở thành bản sắc, văn hóa rất riêng và độc đáo của phụ nữ Dao. Hiện nay, trên địa bàn huyện Hải Hà vẫn còn những người miệt mài gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống, trong đó phải kể đến nghệ nhân Giềng Chống Sếnh người dân tộc Dao Thanh Phán, ở bản Quảng Mới, xã Quảng Sơn.

Người gìn giữ nghệ thuật thêu truyền thống dân tộc Dao Thanh Phán
Hải Hà: thanh niên khởi nghiệp với mô hình trồng Dưa trong nhà màng

Từ chương trình thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn huyện Hải Hà đã có nhiều mô hình kinh tế phát triển đem lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra nhiều hướng đi mới. Trong đó, có mô hình trồng Dưa lê Bạch ngọc trong nhà màng của anh Hà Cẩm Thành, thôn 1, xã Quảng Chính, Hải Hà.

Hải Hà: thanh niên khởi nghiệp với mô hình trồng Dưa trong nhà màng
Độc đáo tiếng kèn của người Dao xã Quảng Sơn

Kèn đồng một loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Dao được sử dụng trong các ngày lễ hội, đám cưới, ma chay và đặc biệt là lễ cấp sắc một tục lệ lâu đời đã trở thành nét đặc trưng của văn hóa người Dao từ bao đời nay. Kèn không chỉ mang giá trị văn hóa được nhân dân sáng tạo để phục vụ cuộc sống lao động, sinh hoạt của cộng đồng dân tộc mà còn ẩn chứa những giá trị về vật chất cũng như tinh thần, mang ý nghĩa thiêng liêng trong sinh hoạt tín ngưỡng. Mỗi khi tiếng kèn vang lên ai cũng cảm thấy xốn xang, nhất là trong đám cưới của những đôi bạn trẻ, bởi đây là âm thanh báo hiệu niềm vui, hạnh phúc lứa đôi.

Độc đáo tiếng kèn của người Dao xã Quảng Sơn
Hải Hà: Hội nghị tư vấn giao nhiệm vụ đề án Ứng dụng công nghệ thông tin trong số hóa và quản lý thông tin di tích lịch sử...

Ngày 3/12/2021, UBND huyện Hải Hà tổ chức hội nghị tư vấn giao trực tiếp nhiệm vụ đề án Ứng dụng CNTT trong số hóa và quản lý thông tin di tích lịch sử trên địa bàn huyện. Đồng chí Nguyễn Hữu Liêm, phó Chủ tịch UBND huyện chủ trì hội nghị. Cùng dự, có đại diện lãnh đạo Viện nghiên cứu và phát triển vùng–Bộ khoa học và công nghệ.

Hải Hà: Hội nghị tư vấn giao nhiệm vụ đề án Ứng dụng công nghệ thông tin trong số hóa và quản lý thông tin di tích lịch sử trên địa bàn huyện
Cụm di tích đền, chùa bên sông Hà Cối

Toạ lạc ở vị trí đẹp bên dòng sông Hà Cối, cụm di tích đền, chùa Hải Hà liền kề nhau, hội tụ những giá trị lịch sử văn hoá, tạo nên điểm du lịch tâm linh hấp dẫn du khách.

Cụm di tích đền, chùa bên sông Hà Cối
Du lịch nội địa trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu tăng mạnh

Đánh giá của các công ty lữ hành cho thấy, lượng khách nội địa dịp Tết Nguyên đán tăng trưởng đột biến so với năm ngoái trong bối cảnh các tuyến du lịch nước ngoài tạm thời gián đoạn do dịch.

Du lịch nội địa trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu tăng mạnh
Tour Du Lịch Hot
Xanh ngát thiên đường đồi...

Nằm bên những rặng cây bên đường, thiên đường xanh ngát của đồi chè ở xã Quảng Long (Hải Hà) quả...

Xanh ngát thiên đường đồi chè Quảng Long
Hồ Trúc Bài Sơn điểm đến lý...

Không gian thoáng đãng và yên tĩnh đến kỳ lạ tưởng như có thể cảm nhận được từng nhịp mái chèo khua...

Hồ Trúc Bài Sơn điểm đến lý tưởng trong mùa hè

Hỗ trợ trực tuyến
Hotline : 0203.3879.255

Video
Nhịp sống Cái Chiên


Bản đồ

  • Giấy phép: Số 04/GP-STTTT ngày 28/6/2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh
  • Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân huyện Hải Hà
  • Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Minh Sơn - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hải Hà
  • Địa chỉ: Phòng Văn hóa và Thông tin huyện - Tầng 3, trụ sở Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện - Phố Ngô Quyền, thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà
  • Điện thoại: 0203.3879.516 - 0203.3879.255
  • Email: phongvhtt.hh@quangninh.gov.vn